Nhà sưu tầm Trần Mai Phương: Người lan tỏa và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc biệt của ấm trà tử sa

Nhà sưu tầm Trần Mai Phương: Người lan tỏa và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc biệt của ấm trà tử sa
19/01/2024 10:44 PM 219 Lượt xem

    Không chỉ là một dụng cụ pha trà thuần túy, ấm tử sa còn mang trong mình cả một nền văn hóa, nghệ thuật thủ công đặc sắc. Vẻ đẹp cổ kính và phóng khoáng của loại ấm này đã chinh phục được rất nhiều trà nhân, những người yêu trà, yêu cái đẹp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong giới chơi trà tại Việt Nam, nhà sưu tầm Trần Mai Phương là một trong những tên tuổi quen thuộc, rất nhiều người biết đến. Cô là một trong những người đầu tiên mang ấm tử sa – một trong những quốc bảo của Trung Hoa về Việt Nam và lên ý tưởng “thổi hồn Việt” vào bộ sưu tập ấm tử sa bằng những nét thư pháp phong cảnh quen thuộc của dân tộc với hình ảnh cây tre, bông sen, đình làng,…

             Vượt qua nhiều thăng trầm lịch sử, đến nay, ấm trà tử sa được xem là một trong tứ quốc bảo của Trung Quốc bên cạnh Kinh kịch, quốc họa thủy mặc, lụa Tô Châu. Hơn thế, ấm tử sa chính hiệu được thế giới công nhận trong việc pha trà sẽ cho hương vị thơm ngon, bền lâu và nhiều tác dụng tốt cho cơ thể càng khiến loại trà cụ này ngày càng được ưa chuộng, yêu thích.

     

    HÌNH ẢNH NHÀ SƯU TẦM - TRẦN MAI PHƯƠNG

     

     Nhà sưu tầm Trần Mai Phương vốn là một nữ doanh nhân – Thạc sĩ kinh tế nhưng lại có lòng đam mê với nghệ thuật tử sa, thư pháp, hội họa phương Đông. Tình yêu của nhà sưu tầm Mai Phương với ấm tử sa rất tình cờ và bắt nguồn khi cô còn là sinh viên đại học. Trong một lần đi chơi cùng bạn tại cửa khẩu Móng Cái, Mai Phương đã không bị choáng ngợp bởi những gian hàng thời trang sặc sỡ bắt mắt, mà lại mê đắm vào những chiếc ấm đất tử sa tại một gian hàng thưởng trà. Sự mê đắm ấy đã thôi thúc cô suốt quãng thời gian học tập và làm việc tại Trung Quốc dành nhiều thời gian nghiên cứu khắp các xưởng gốm tại đất nước này. Đặc biệt, Mai Phương còn từng dành thời gian đến Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) – “cái nôi” sản sinh ra những chiếc ấm tử sa độc đáo và có giá trị cao. Cảm mến sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi, Mai Phương được các đại sư nổi tiếng như Vương Khang – nghệ nhân cấp quốc gia của Trung Quốc về ấm tử sa, là người được chỉ định chế tác ấm để tặng cho Cựu thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama khi ông tới thăm Trung Quốc vào năm 2017 hay Tôn Lập Cường… yêu quý và truyền đạt rất nhiều kiến thức mà không phải tài liệu nào cũng có được.

              Sau bao quá trình nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi không ngừng từ các đại sư nổi tiếng, Mai Phương quyết tâm lên ý tưởng “thồi hồn Việt” vào những chiếc ấm tử sa trứ danh Trung Hoa. Những nét thư pháp phong cảnh của Việt Nam như cây tre, bông sen, làng quê yên ả, đình làng bóng mát, cho đến những bài thơ nôm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vua Minh Mạng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,… đã tạo nên nét đặc biệt rất riêng cho bộ sưu tập ấm tử sa của cô.

     

       

     Đất tử sa là loại đất quý và ngày càng khan hiếm. Với những người sành trà thì loại trà cụ làm từ loại đất quý hiếm này không thể thiếu trong mỗi buổi thưởng trà, nó thể hiện cái chuẩn mực trong nghệ thuật pha trà. Thưởng thức trà với ấm tử sa không đơn thuần là cơ hội để bạn cùng hàn huyên, tâm sự với bạn bè, người thân, tri kỷ của mình, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm stress, cân bằng tâm trạng, cải thiện tinh thần. Đây được coi là thú chơi tao nhã có bề dày lịch sử hàng nghìn năm và được các vương công quý tộc lựa chọn như một cách để hưởng thụ, đối đãi và tri giao. Với người thưởng trà Việt Nam, việc sở hữu những chiếc ấm tử sa này còn thể hiện được tình yêu quê hương, đất nước bằng những nét thư pháp, điêu khắc thuần Việt trên chiếc ấm sẽ khiến vật dụng ấy trở thành vô giá. Chính bởi ý nghĩa sâu sắc ấy, cho nên mỗi sản phẩm ấm tử sa của nhà sưu tập Mai Phương luôn ẩn chứa những câu chuyện và sứ mệnh riêng.

              Mai Phương chia sẻ: “Để tạo ra được một tác phẩm tử sa đẹp việc đầu tiên phải là chất đất, thứ hai là đường nét, thứ ba là thi họa và cuối cùng chắc chắn là người tạo ra tác phẩm đó. Điểm ấn tượng của văn hoá ấm tử sa là sự kết hợp đỉnh cao của thư pháp và thi pháp được khắc hoạ trên các tác phẩm, làm cho các tác phẩm tăng thêm sự tôn quý và thanh cao”.

    Hiện nay, nhà sưu tập Mai Phương đang sở hữu nhiều tác phẩm ấm tử sa, đặc biệt có những tác phẩm được giới sưu tập săn đón và trả giá lên đến hàng tỷ đồng. Nổi bật trong bộ sưu tập có thể kể đến một số tác phẩm ấm tử sa như: Tác phẩm Cao Lưu Kim Trung do Vương Khang chế tác, quốc họa do Đại sư Trung Quốc Trần Bội Thu thư họa để kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại sư thư pháp và hội họa Tạ Trĩ Liễu; Tứ phương Cửu đỉnh do đại sư Vương Khang chế tác; tác phẩm Phước Thọ do Sử Quốc Đường chế tác; tác phẩm Trúc Thú do Đại sư Tôn Lập Cường chế tác; tác phẩm Tuế Hàn Tam Hữu do Đại sư Tôn Lập Cường chế tác đạt giải Vàng trong cuộc triển lãm nghệ thuật gốm sứ thư họa Trung Quốc năm 2021;… Sự đa dạng về hình thức, kích thước, màu sắc cùng với đó là những nét hoa văn tinh xảo mang đến sự trầm trồ cho người yêu trà khi được tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập này. Tất cả các loại ấm đều được tuyển chọn và chế tác từ loại đất tử sa quý hiếm, qua những đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm ấm từ làng nghề thủ công Nghi Hưng thực hiện đều có niên đại từ thời nhà Thanh, càng làm cho bộ sưu tập này thêm giá trị.

     

    Dù công việc luôn bận rộn là vậy, Mai Phương vẫn không quên dành cho bản thân một góc nhỏ để thưởng trà hàng ngày. Không chỉ nuôi dưỡng đam mê của bản thân, cô còn mong muốn chia sẻ, gắn kết nhiều người có chung niềm đam mê, yêu thích trà đạo, trà cụ lại với nhau để cùng nhau lan tỏa và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc biệt của nhân loại./.

    Zalo
    Hotline